Vịnh Nha Trang (hay còn có tên gọi khác là Vịnh Bình Cang) là một vịnh ven bờ biển nằm ở phía Đông thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, có tổng diện tích khoảng 24.965 ha (249,65 km2). Là vịnh lớn thứ hai của tỉnh Khánh Hòa sau Vịnh Vân Phong, Vịnh Nha Trang bao gồm 3.780 ha (37,8 km2) diện tích các đảo, trong đó đảo lớn nhất là Hòn Tre và nhỏ nhất là Hòn Nọc. Khí hậu ở Vịnh Nha Trang phân thành hai mùa rõ rệt, mang đặc trưng của kiểu gió đất–biển, đồng thời chịu tác động của yếu tố địa hình trong khu vực và hệ thống gió mùa. Sự thay đổi nhiệt độ theo ngày ở Vịnh Nha Trang được đánh giá là lớn và rõ nét, chịu tác động mạnh và đồng thời của ba nhân tố gồm nhiệt đới, gió mùa và địa phương. Sông Cái Nha Trang là nguồn nước ngọt chính đổ vào vịnh. Dao động nước biển ở khu vực này tồn tại ở ba loại hình chính: dao động lắc, dao động triều và dao động mực nước theo chu kỳ năm. Dòng chảy và sóng của Vịnh Nha Trang chịu tác động của hướng gió mùa.
Lịch sử hình thành của Vịnh Nha Trang trải qua năm giai đoạn, bắt đầu từ thời kỳ biển tiến trước kỷ băng hà cuối cùng và còn tiếp tục phát triển đến tận ngày nay. Địa hình của Vịnh Nha Trang khác nhau theo hai phần phía Bắc và phía Nam. Phần đáy biển được chia làm ba đới động lực và chín đơn vị địa mạo. Trầm tích trong khu vực Vịnh Nha Trang bao gồm cả trầm tích cổ và trầm tích hiện đại. Trầm tích hiện đại mang nguồn gốc lưu chuyển và nguồn gốc sinh vật. Vùng bờ quanh các đảo, các rạn san hô chết và sườn bờ ngầm cung cấp vật liệu từ cát trung trở xuống. Trong khi đó, vật liệu trầm tích từ các con sông lân cận và những dòng bồi tích ven bờ cung cấp cho vịnh những thành phần khoáng vật từ các đá mắc ma và trầm tích biến chất. Trầm tích tầng mặt Vịnh Nha Trang phân thành tám kiểu khác nhau, trong đó bao gồm trầm tích cổ và trầm tích hiện đại. Sự phân bố trầm tích khác nhau theo chiều từ bắc xuống nam, từ bờ ra biển. Hàm lượng khoáng vật trong Vịnh Nha Trang tồn tại ở cả dạng khoáng vật nặng và khoáng vật nhẹ, với thành phần khoáng vật nhẹ chiếm ưu thế.
Vịnh Nha Trang được cho là "một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới" khi chứa đựng hầu hết các hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó rạn san hô, rừng ngập mặn và thảm cỏ biển được cho là những hệ sinh thái tiêu biểu. Đặc biệt, với 40% san hô tạo rạn trên toàn thế giới, khu vực này được đánh giá là có tầm quan trọng quốc tế và có mức độ đa dạng sinh học cao nhất ở Việt Nam. Hoạt động kinh tế của Vịnh Nha Trang bao gồm khai thác, nuôi trồng thủy sản và du lịch. Trong đó, phát triển du lịch là định hướng được ưu tiên chú trọng. Ngoài tư cách thành viên của Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới, Vịnh Nha Trang còn được xếp hạng là di tích quốc gia. Thế mạnh du lịch của khu vực này là sự đa dạng của hệ thống biển đảo và cảnh quan xung quanh. Tuy nhiên, Vịnh Nha Trang vẫn phải đối mặt với các vấn đề mang tính tự nhiên, xã hội, môi trường nhằm hướng tới phát triển bền vững.
Tags:
Khu Bảo Tồn
Vịnh Nha Trang
Khánh Hòa