IMG BẢO TỒN BIỂN VIỆT NAM
Chuyên trang website về Bảo tồn biển tại Việt Nam
IMG-LOGO
Home Giới Thiệu Giới thiệu Bảo tồn biển Việt Nam
Giới Thiệu

Giới thiệu Bảo tồn biển Việt Nam

Việt Nam là quốc gia ven biển và biển Việt Nam được xem như một trong những trung tâm đa dạng sinh học của thế giới. Theo các kết quả nghiên cứu, cho đến nay đã thống kê được khoảng 11.000 loài sinh vật, trong đó có 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du, 94 loài thực vật ngập nước mặn, 14 loài cỏ biển, 225 loài tôm, 43 loài chim biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 4 loài rùa biển.

Vùng biển Việt Nam có khoảng 20 kiểu hệ sinh thái điển hình thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển, trong đó có các hệ sinh thái trên biển như hệ sinh thái rừng ngập mặn ở vùng của sông, bãi triều ven biển (với 51 loài thực vật trong số 68 loài thực vật rùng ngập mặn trên thế giới); hệ sinh thái cỏ biển sống trong môi trường nước biển khác trong, ở độ sâu 3-30 m (với 15 loài, ngang với Philippin có 16 loài được xem như phong phú nhất ở khu vực Đông Nam Á); hệ sinh thái rạn san hô phát triển trong điều kiện nhiệt độ nước biển trên 200C, nước trong và có độ muối cao (với khoảng 370 loài tương đương với In-đô-nê-xia và Philippin là những nước rất phong phú về san hô); hệ sinh thái nước trồi ở khu vực ven bờ biển Nam Trung Bộ do tác động của mùa Tây Nam khiến khối nước giàu chất dinh dưỡng ở độ sâu 10-20m được đưa lên mặt biển tạo ra nguồn vật chất sinh vật sơ cấp làm nguồn thức ăn cho nhiều loài sinh vật …. Đây thực sự là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá.

Tuy nhiên trong vòng mấy chục năm gần đây do sự khai thác quá mức của con người, do sự ô nhiễm môi trường và hậu quả của biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học biển đã và đang bị suy thoái nghiêm trọng mà biểu hiện cụ thể là tình trang giảm sút nghiêm trọng nguồn lợi sinh vật biển, ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường, đến hoạt động kinh tế – xã hộ và đời sống của người dân ở vùng biển nước ta.

Vì thế việc xây dựng các khu bảo tồn biển ở nước ta nhằm phục vụ cho việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế – xã hội bền vững trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.

Thực trạng việc xây dựng các khu bảo tồn biển ở Việt Nam

Ngày 26/5/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 742/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó 16 khu bảo tồn biển đã được thiết lập gồm: Đảo Trần, Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Bà (thuộc vùng địa sinh vật biển ven bờ phía Bắc Việt Nam), Hòn Mê, Cồn Cỏ, Hải Vân – Sơn Trà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Nam Yết, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Phú Quý, Hòn Cau, Côn Đảo (thuộc vùng địa sinh vật biển ven bờ phía Nam Việt Nam). Phú Quốc (thuộc vùng địa sinh vật biển vịnh Thái Lan).

Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang đã được xây dựng nhằm giúp bảo vệ đa dạng sinh học, hiện tại ở đây có hơn 400 loài động vật không xương sống, trong đó có nhiều loài mới được phát hiện ở nước ta và 350 loài san hô, 300 loài cá. Kết quả khảo sát tại khu bảo tồn biển Hòn Mun cho thấy vùng biển khu vực này có rạn san hô phong phú và đa dạng nhất Việt Nam. Tại đây đã tìm thấy 340 trong tổng số hơn 800 loài san hô cứng được đánh giá là khu bảo tồn biển có tầm vóc quốc tế vì có số loài tương tự như ở trung tâm thế giới về đa dạng san hô ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong những hang động đá đen ở Hòn Mun hàng năm có chim yến về làm tổ. Do địa thế của đảo rất gần dòng biển nóng từ phía xích đạo đưa tới nên rất thích hợp với điều kiện phát triển của san hô vè nhiều loài sinh vật biển nhiệt đới cũng về đây quần tụ. Đáy biển Hòn Mun là một tập hợp quần thể sinh vật phong phú và đa dạng.

Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nằm cách đô thị cổ Hội An chừng 19km (10 hải lý) gồm 8 hòn đảo với diện tích 15,5km2 và có tổng diện tích mặt nước ở 5.175 ha trong đó có khoảng 165 ha rạn san hô và 500 ha thảm cỏ biển. Khi nghiên cứu về hệ sinh thái khu vực này các nhà khoa học đã phát hiện 947 loài sinh vật sống trên vùng nước quanh các đảo, quanh các vỉa san hô cứng và mềm phát triển dày đặc, với 200 loài san hô, trong đó có 6 loài quý hiếm lần đầu tiên tìm thấy tại các vùng biển đảo ở nước ta. Bên cạnh đó còn có hơn 200 loài cá; 5 loài tôm hùm, 94 loài nhuyễn thể … Ngoài ra, trên các dảo có nhiều loài động vật quý hiếm, mang đậm tính đặc trưng riêng chỉ có ở Cù Lao Chàm.

Thời gian gần đây tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm các hoạt động tham quan, du lịch, nghiên cứu diễn ra khá thường xuyên, đã biến hòn đảo này trở nên sinh động và náo nhiệt hơn. Nhờ vậy mà đời sống của cư dân nơi đây được cải thiện đáng kể nhờ vào các hoạt động dịch vụ.

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Khu bảo tồn biển Phú Quốc là một trong những khu bảo tồn biển được thành lập sớm nhất (sau khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang và Cù Lao Chàm) trong mạng lưới các khu bảo tồn Việt Nam. Diên tích mặt nước của khu bảo tồn khoảng 26.863 ha, bao gồm 12 hòn đảo lớn nhỏ. Đây là một khu vực có đa dạng sinh học tương đối cao. Dienj tích các rạn san hô trong khu bảo tồn không lớn nhưng được phân bố đều khắp các hòn đảo lớn nhỏ và còn trong trạng thái phát triển tốt. CHúng phân bố chủ yếu ở hòn đảo phía Nam Phú Quốc thuộc xã Hòn Thom với 108 loài thuộc cả 2 nhóm san hô cứng và san hô mềm. Trong số những rạn san hô của vùng này, nhiều rạn có mức đa dạng sinh học và cấu trúc đặc trưng như những rạn ở Hòn Móng tay và Hòn Gầm Chì. Đặc biệt, điều kiện môi trường, chất lượng nước của khu vực rất tốt nên đây cũng là nơi nuôi dưỡng các cá thể chưa trưởng thành của rất nhiều loài cá rạn san hô (135 loài) và các thảm cỏ biển. Phần lớn các thảm cỏ biển tập trung ở phía Đông và Đông Bắc, thuộc 2 xã Hàm Ninh và Bãi Thom với diện tích trên 10.000 ha (lớn nhất cả nước). Loại thực vật này là nơi ẩn náu, cư trú thuận lợi nên tập trung nhiều loài cá biển ven bờ, trong đó có nhiều loài thủy sản có giá trị sinh học và kinh tế như: cá ngựa, ghe, … Đặc điểm khác của đa dạng sinh học vùng biển Phú Quốc là sự hiện diện của loài động vật quý hiếm gồm Dugong (bò biển), rùa biển và cá heo. Đây là những loài đã được các tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam đưa vào Sách đỏ và bảo vệ nghiêm ngặt.

Khu bảo tồn biển Phú Quốc

Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị có tổng diện tích là 4.532 ha, Vùng biển đảo Cồn Cỏ được các cơ quan nghiên cứu khoa học đánh giá là một trong những hệ sinh thái biển có mức độ đa dạng sinh học cao của Việt Nam. Đã phát hiện và thống kê được tại Cồn Cỏ có 113 loài san hô, 57 loài rong cỏ biển, 67 loài động vật đáy, 19 loài giáp xác, 224 loài cá bienr khơi, 87 loài cá rạn san hô (có cả san hô màu đỏ và san hô đen – san hô sừng), 164 loài động vật phù du, 68 nhóm loài động vật phù du. Trong đó có nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, cua ghẹ, hải sâm, vẹm xanh, điệp, cá thu, cá mú, cá kẽm, cá cu nam, cua biển, mực các loại …..

Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Khu bảo tồn biển Cát Bà nằm trên địa bàn huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Khu bảo tồn này chính là trung tâm của quần đảo Cát Bà, bao gồm một đảo lớn và 366 hòn đảo nhỏ hơn ở cách thành phố Hải Phòng 30km về phía đông và nằm kề Vịnh Hạ Long. Khu bảo tồn Cát Bà gồm khu vực biển khơi và các đảo nhỏ nằm ở phía Đông đảo Cát Bad. Khu bảo tồn biển Cát Bà là vùng phân bố các đa dạng sinh cảnh tự nhiên rộng lớn, bao gồm các rạn san hô, các bãi cỏ biển, rừng ngập mặn và trên các đảo có kiểu rừng trên núi đá vôi. Tính đa dạng sinh học đã được biết tại đây tương đối cao hơn so với các khu bảo tồn biển được đề xuất khác ở phía Bắc Việt Nam. Đã ghi nhận được 199 loài thực vật nổi, 89 loài động vật nổi, 75 loài cỏ biển ở vùng Đảo Cát Bà. Khu bảo tồn biển Cát Bà là nơi chưa đựng các nguồn tài nguyên thủy sản phong phú, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Đay là khu vực đánh bắt thủy sản quan trọng đối với cả nhân dân địa phương và ngư dân từ các vùng ven biển khác của Việt Nam đến. Khu bảo tồn biển Cát Bà có chung đường ranh giới với khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và có tiềm năng làm cơ sở cho việc mở rộng và phát triển ngành du lịch.

Khu bảo tồn biển Cát Bà

Khu bảo tồn biển Côn Đảo còn tương đối nguyên vẹn về phân bố, cấu trúc của thành phần sinh vật biển như san hô, thảm cỏ biển, rong biển, thân mềm, bò sát biển, thú biển và sự phân bố của các loài cá ở ba tầng mặt, giữa và đáy biển.

Khu bảo tồn biển Côn Đảo

Tài nguyên sinh vật biển đa dạng và phong phú, có nhiều giá trị về kinh tế và khoa học. Quan trọng hơn, quần xã sinh vật biển Côn Đảo còn là nơi cung cấp bổ sung nguồn giống các loài sinh vật biển cho các vùng nước ven bờ miền Trung và Vịnh Thái Lan. Có thể nói Côn Đảo là một ngư trường lớn và quan trọng của vùng biển Đông Nam của đất nước. Kết quả thống kê được 1321 loài động, thực vật ở vùng biển Côn Đảo.

Ngoài tính đa dạng cao về nguồn gen, Côn Đảo còn chứa nhiều loài quý hiếm. Kết quả nghiên cứu đã thống kê được ở thủy vực Côn Đảo có tới 44 loài là nguồn gen cực kỳ quý hiếm của Việt Nam và đã được đưa vào Sách đỏ, bao gồm: 2 loài rong, 2 loài thực vật ngập mặn, 3 loài san hô, 12 loài thân mềm, 1 loài giáp sát, 4 loài da gai, 7 loài cá, 7 loài bò sát, 5 loài chim và 1 loài thú. Tính ra ở đây có gần 1000 loài có giá trị thực phẩm, xuất khẩu, mỹ nghệ dược liệu, du lịch.

Đặc biệt bò sát và thú biển là 2 loài rất đặc sắc ở đây. Rùa biển (Seaturtle) đã thống kê được 7 loài. Có 2 loài thường gặp và lên bãi đẻ hàng năm, đó là đồi mồi (Eretmochelys imbricate) và vích (Chelonia mydas). Tại Vườn quốc gia Côn Đảo có 17 bãi đẻ của rùa biển. Có thể nói quần thể rùa biển tại Côn Đảo có số lượng lớn nhất đang tồn tại ở Việt Nam, và chương trình cứu hộ rùa biển là một sáng tạo đầu tiên, rất hiệu quả trong việc bảo tồn ở Việt Nam.

Về thú biển: ngoài cá Heo (Denphin), cá Mập thường gặp ven đảo, năm 1995 Vườn đã phát hiện loài Dugong (Dugong dugon), dân địa phương thường gọi là bò biển. Đây là loài thú biển cực kỳ quý, là đối tượng được đặc biệt quan tâm bảo vệ trên toàn cầu.

Một số giải pháp xây dựng và quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam

Việc xây dựng và quản lý các khu bảo tồn biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta và là ván đề rất cấp bách đối với các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý hữu trách và với cộng đồng dân cư địa phương.

Để góp phần giải quyết tốt vấn đề này, theo tôi cần ưu tiên tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau:

a. Nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về việc xây dựng và quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam. Các văn bản này cần được hướng dẫn thực hiện, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân.

b. Tuyên truyền, vận động và tạo mọi điều kiện để huy động cộng đồng nhân dân tham gia vào việc bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn biển. Các khu bảo tồn biển có phạm vi không gian rộng lớn trong khi Ban quản lý và các lực lượng chuyên trách có han nên rất cần thiết phải huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đòng dân cư vào việc.

– Công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học;

– Quan trắc, tuần tra và bảo vệ khu bảo tồn biển;

– Nghiên cứu khoa học và đào tạo trong khu bảo tồn biển;

– Dịch vụ du lịch sinh thái trong các khu bảo tồn biểm.

Lẽ dĩ nhiên các hoạt động trên phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và nội quy của Ban quản lý khu bảo tồn biển.

c. Cần có cơ chế đảm bảo cho sự phối hợp hoạt động thường xuyên, có hiệu lực giữa Ban quản lý khu bảo tồn biển với chính quyền địa phương, đại diện cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp để đề xuất các kiến nghị với các cấp có thẩm quyền và giải quyết các vấn đề cụ thể trong qua trình quản lý và thực hiện các công việc diễn ra tại khu bảo tồn biển.